16-04-2014 12:49
Một người đàn ông phải nhập viện trong tình trạng khó thở do gặp sự cố khi nhổ răng khôn, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định đây là ca tai nạn hy hữu trong 22 năm trở lại đây.
Ngày 15/4, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đang điều trị cho nạn nhân Mao Khánh Hòa (SN 1976, ngụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) do bị tràn khí dưới da trong lúc nhổ răng khôn ở một phòng nha tư nhân tại TP Vũng Tàu.
Bác sĩ Dũng đang khám cho bệnh nhân Hòa
Bác sĩ Hoàng Bá Dũng, Phó Khoa Tai Mũi Họng, cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân ê kíp các bác sĩ đã xử lý tình trạng khó thở của bệnh nhân thì phát hiện tràn khí ở cổ, ngực và trung thất. Sau 5 ngày theo dõi và điều trị, hiện sức khỏe nạn nhân đã ổn định.
Anh Hòa kể “Ngày 10-4 tôi bị răng khôn hành hạ gây đau đớn nên đến một phòng nha ở TP Vũng Tàu để nhổ. Khi bác sĩ tiến hành nhổ tôi cảm thấy đau buốt, khó thở như có ai bóp cổ mình nên tôi kêu dừng lại. Sau 5 phút tôi kêu bác sĩ tiếp tục được 30 giây thì kêu ngưng hẳn vì không thể chịu nổi”.
Bác sĩ Dũng nhận định “Tràn khí dưới da có thể xuất hiện trong mổ xoan, cắt amidan, nhổ răng… nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người dân lưu ý khi đi nhổ răng nếu thấy có dấu hiệu choáng, khó thở và sưng ở vùng cổ, mặt phải yêu cầu ngưng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để khám, cấp cứu. Đây là trường hợp hiếm gặp trong vài chục năm qua, nếu xử lý ban đầu tốt sẽ dễ dàng trong quá trình điều trị sau này”.
* Có nên nhổ răng khôn?
"Tôi 20 tuổi, đang mọc răng khôn nhưng hàm khá hẹp. Xin hỏi bác sĩ có thể nhổ răng khôn được không? Sau khi nhổ cần chăm sóc như thế nào?".
Trả lời:
Trên thực tế, có rất nhiều người không nhổ răng khôn bởi răng khôn không gây nên bất cứ rắc rối nào cho họ.
Những chiếc răng khôn thường xuất hiện ở độ tuổi 20 trở ra, thường thì không nhất thiết phải nhổ đi trừ phi hàm của bạn quá hẹp, không đủ chỗ cho răng khôn mọc, hoặc bạn gặp phải một rắc rối nào đó được nha sĩ khuyên nên nhổ răng khôn. Bạn không nên tự ý quyết định việc có nên nhổ hay không mà cần được sự thăm khám của nha sĩ, sau đó sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Sau khi nhổ răng khôn, bạn cần phải chăm sóc răng miệng cẩn thận để giảm đau, không gây nhiễm trùng và giúp cho những tổn thương ở lợi nhanh chóng lành lại.
Trong vòng 24 giờ đầu, nên tận dụng mọi cơ hội để nghỉ ngơi, nếu có thế thì nên nghỉ làm hoặc nghỉ học. Dùng thuốc theo hướng dẫn của nha sĩ để cảm giác đau đớn không lây lan lên miệng và mặt. Bác sĩ nha khoa có thể kê đơn cho bạn loại thuốc giảm đau acetaminophen hoặc ibuprofen. Nếu vùng lợi hoặc má bị sưng do nhổ răng khôn, bạn có thể dùng đá để chườm bên ngoài khoảng 10 phút mỗi lần. Nên hạn chế nhai ở vùng vừa nhổ rằng khôn tránh nhiễm trùng. Tránh xa những đồ uống có cồn hoặc caphein, nhưng phải uống đủ nước. Nên ăn những thức ăn mềm và dễ nuốt, hạn chế nhai nhiều.
Sau 24 giờ, nếu vùng mặt bạn vẫn bị sưng, hãy thử chườm nóng khoảng 20 phút. Sau 24 giờ, bạn đã có thể đánh răng nhưng không nên đánh vào vùng vừa nhổ răng. Sau bữa ăn, có thể súc miệng bằng nước muối để ngăn ngừa vi khuẩn, không nên dùng nước súc miệng vào thời điểm này cho đến khi những tổn thương ở lợi lành hẳn lại.
Lưu ý: Nếu bạn thấy dấu hiệu sưng, đau hoặc chảy máu không thuyên giảm sau khi nhổ răng khôn, cần nhanh chóng báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Trung Tâm Thông Tin Điện Tử Việt Nam Địa chỉ: 624 Quang Trung - Hà Đông - Hà Nội |
Thông Tin Nhanh giữ bản quyền nội dung trên website này, mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Thông Tin Nhanh phải ghi rõ nguồn vnthongtin.tk